Sự kiện Phật Đản năm 1963 Tội_ác_của_Quân_đội_Hoa_Kỳ_và_đồng_minh_trong_chiến_tranh_Việt_Nam

Bài chính: Biến cố Phật giáo, 1963

Bối cảnh

Năm 1950 Quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo dụ số 10 điều chỉnh các tổ chức hội đoàn. Điều 1 định nghĩa Hội: "Hội là Hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.". Như vậy tôn giáo được xem là một loại hiệp hội. Đạo dụ này đặt ra những hạn chế đối với các hiệp hội như sau:

  • Tổng trưởng Bộ Nội vụ, nếu hội hoạt động trong toàn quốc hoặc ngoài địa hạt một phần Việt Nam; hay Thủ Hiến, nếu hội chỉ hoạt động trong địa hạt một phần Việt Nam, có quyền bác khước không cho phép lập hội mà không cần phải nói lý do. Phép cho rồi có thể bãi đi vì trái điều lệ hay vì lẽ trị an. (Điều 7)
  • Không hội nào có quyền nhận tiền trợ cấp của Chính phủ, của các quỹ địa phương, quỹ hàng tỉnh và quỹ hàng xã, trừ những hội khoa học, mỹ nghệ, tiêu khiển, từ thiện, thanh niên và thể thao (Điều 14)
  • Các hội chỉ có quyền chiếm hữu, tạo mãi, quản trị, đứng làm sở hữu chủ những bất động sản thật cần thiết để đạt mục đích của hội (Điều 14)
  • Những người có liên quan và Công Tố viên có quyền xin toàn án hủy bỏ những việc tạo mãi bất động sản trái với điều này. Bất động sản ấy sẽ đem bán đấu giá và được bao nhiêu tiền sẽ sung vào quỹ hội (Điều 14)

Đặc biệt trong đạo dụ này có điều khoản 44 có quy định "Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau.", đặt các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội ra ngoài sự điều chỉnh của đạo dụ này.

Năm 1954, theo Hiệp định Genève, 1954 thì Việt Nam bị chia cắt làm 2 miền và lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới chia cắt và đây trở thành 1 khu vực phi quân sự (DMZ - Demilitarized Zone). Ở miền Bắc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo được nhân dân và các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa ủng hộ (đặc biệt là Liên XôTrung Quốc). Còn ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thành lập do tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu và nhận được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các nước Tư bản Chủ nghĩa. Lý do Ngô Đình Diệm được Mỹ mà cụ thể là CIA ưu ái đưa lên làm tổng thống là do: Thứ nhất, Diệm vô cùng sùng ái Thiên Chúa giáo. Thứ hai, Diệm là một kẻ chống cộng điên cuồng. Đây cũng chính là lý do gây ra biến cố tôn giáo năm 1963 - chính là sự thiên vị cho Thiên chúa giáo của Diệm.

Diễn biến

Chính phủ Ngô Đình Diệm quy định cờ tôn giáo không được treo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo (nhà thờ, chùa, thánh thất...) nhưng tất cả các tôn giáo đều không tuân thủ nghiêm túc quy định này. Trước khi xảy ra sự kiện Phật đản, chính phủ cũng không hề lưu tâm tới vấn đề các tôn giáo vi phạm quy định treo cờ.[2]. Ngày 6/5/1963, Phủ Tổng thống gửi Công điện số 5159 cho các tỉnh yêu cầu các địa phương bắt buộc các tôn giáo thực hiện nghiêm túc quy định của chính phủ về việc treo cờ tôn giáo trong khi ngày 6/5 đã là 13/4 âm lịch, tức chỉ còn 2 ngày nữa là đến lễ Phật Đản.

Ngày 8/5/1963, 2 vạn dân Huế - trong đó có gần 1 vạn tăng ni và tín đồ Phật giáo - đấu tranh chống chính quyền Diệm khủng bố tôn giáo, cấm tổ chức lễ Phật đản và treo cờ Phật trong các chùa. Cuộc đấu tranh được sự đồng tình rộng rãi của các sĩ quan và nhân viên Thừa Thiên-Huế, kể cả một số sĩ quan và nhân viên cao cấp. Nhà cầm quyền đã huy động cảnh sát, công an có xe bọc sắt, đại bác 37 ly đến đàn áp, làm 13 người chết, nhiều người bị thương, gần 100 người bị bắt. Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo càng phát triển mạnh mẽ.

Buổi tối ngày 8/5/1963 đám đông Phật tử tụ tập trước đài phát thanh Huế chờ nghe bài diễn văn của Thượng tọa Thích Trí Quang đã được thu âm. Đài phát thanh từ chối phát bài diễn văn. Lúc 21 giờ số người tụ tập tại đài phát thanh Huế lên đến khoảng 6000 người[3]. Sau đó, Thượng tọa Trí Quang, Mật Nguyện, Mật Hiển và Đức Tâm đến đài phát thanh để hỏi lý do không phát thanh bài diễn văn. Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến đài phát thanh để đối thoại với các chức sắc Phật giáo. Binh lính và xe bọc thép cũng được điều đến Đài phát thanh.

Trong khi lãnh đạo Phật giáo và tỉnh trưởng đang thảo luận, chính quyền dùng vòi rồng giải tán đám đông. Trong khuôn viên đài phát thanh xảy ra 2 vụ nổ làm tình hình xấu đi bất ngờ. Các xe bọc thép và binh lính bắt đầu nổ súng.

Trật tự vãn hồi lúc 24h. Có tám người chết (trong đó có 7 trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi) cùng nhiều người khác bị thương nằm ở ngoài phòng Chương trình và trong khuôn viên đài phát thanh. Xe cứu thương đến chở người chết và bị thương đi bệnh viện. Chính quyền đến trước đài phát thanh loan báo: "Chính quyền được tin đêm nay Việt Cộng sẽ xâm nhập phá hoại một vài cơ quan công quyền trong thành phố, chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm, vậy yêu cầu đồng bào giải tán"

Bác sĩ người Ðức Erich Wulff, nhân chứng của vụ nổ súng ở Huế. Ông kể: "Chúng tôi nghe khoảng 10 phát súng nổ kêu vang và khô khan... Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng đầu ngọn lửa phát ra từ họng súng của hai chiếc xe án ngự nơi bồn tròn nằm phía đầu cầu Tràng Tiền. Sau tiếng súng là một chập im lặng... Từng nhóm từ mười đến hai mươi người vung tay lên bày tỏ sự bất bình của mình. Ðúng vào lúc đó một loạt súng trường bắt đầu nhả đạn. Một chiếc thiết giáp bắt đầu tìm cách phân tán những đám nhỏ này. Thiếu tá Sỹ lệnh cho chúng tôi phải rời đi, ông ta là một người Kitô quá khích và là người thân tín của Tổng giám mục Thục". Ông cho biết những nạn nhân có những vết thương nghiêm trọng do đạn bắn chứ không phải như Đặng Sỹ nói: "Dưới ánh sáng yếu ớt của đèn bạch lạp, chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực thân thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác – tất cả là trẻ em - thì không còn đầu. Nơi một người phụ nữ thì có những vết đạn bắn vào cánh tay, vai và cổ. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của Ðài phát thanh và nhô đầu ra trước"[4]

Chiều ngày 9/5/1963, văn phòng Tổng Trị Sự Giáo hội Tăng Già Việt Nam nhận được báo cáo về việc xảy ra tại đài phát thanh Huế đêm 8/5/1963, do Phật giáo Trung phần chuyển tới. Ngày 10/5/1963, các vị lãnh đạo Phật giáo họp tại chùa Từ Đàm, hoạch định đường lối và phương pháp tranh đấu bảo vệ Phật giáo và đòi hỏi công bằng xã hội. Một bản Tuyên ngôn được soạn thảo, nêu ra năm nguyện vọng của Phật giáo. Ngày 17/5/1963, Phật giáo cho trưng bày hình ảnh biến cố đài phát thanh Huế trong đêm Phật Đản tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn). Ngày 20/5/1963, Phật giáo gửi chính quyền một tài liệu 45 trang trong đó liệt kê những vụ đàn áp, bắt bớ và thủ tiêu.

Ngày 21/5/1963, khắp nơi trên toàn quốc tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân tại Huế. Tại Sài Gòn, khoảng 1000 tăng ni tập trung tại chùa Ấn Quang để hành lễ sau đó diễu hành rước linh vị các nạn nhân về chùa Xá Lợi. Cùng lúc đó, một đoàn gồm 350 tăng ni diễu hành từ chùa Xá Lợi về trụ sở Quốc hội. Những cuộc diễu hành này diễn ra tốt đẹp.

Nhưng đến cuối tháng 5, các tăng ni phật tử và cả nhiều học sinh, sinh viên và viên chức bắt đầu biểu tình và tuyệt thực. Trước giờ tuyệt thực, Đoàn Sinh viên Phật tử Huế công bố một lá thư kêu gọi sinh viên học sinh toàn quốc ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo. Tại Sài Gòn, Đoàn Sinh viên Phật tử lập tức hưởng ứng lời kêu gọi. Cảnh sát đã tấn công cuộc biểu tình và tuyệt thực bằng lựu đạn hơi cay, lựu đạn khói và chó nghiệp vụ. Nhiều người bị đánh đập và bắt bớ.

Ngày 3 tháng 6 năm 1963, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã phun hóa chất và khí gas gây độc vào đầu những nhà sư đang cầu nguyện ở Huế làm 67 người chết và bị thương, chủ yếu là tăng ni. Ngày 11/6/1963, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng, đúng 10 giờ sáng, hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trong tư thế kiết già trước sự chứng kiến của hàng trăm quần chúng và Phật tử.[5]

Nhiều cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra kéo dài sang tháng 7. Ngày 11/7/1963. Ủy ban Liên Bộ thông báo cho Ủy ban Liên Phái biết theo điều tra của Bộ Nội vụ thì vụ thảm sát ở Huế ngày 8/5/1963 do cộng sản gây ra. Phía Phật giáo buộc tội chính quyền bưng bít sự thật và cáo buộc cuộc thảm sát là do chính phủ Cộng hòa gây ra chứ không liên quan đến lực lượng Cộng sản ở Miền Nam Việt Nam. Sang tháng 8, các Tăng ni, Phật tử tự thiêu và tự chặt tay. Hàng nghìn người đã đến bảo vệ thi hài của các tăng ni tự thiêu như thiền sư Thanh Tuệ 18 tuổi ở chùa Phước Duyên, thiền sư Tiêu Diêu 71 tuổi tự thiêu tại chùa Từ Đàm còn Ni sư Diệu Quang 27 tuổi tự thiêu tại quận Ninh Hòa, Khánh Hòa thì lại bị bọn cảnh sát mang thi hài đi. Hàng nghìn có khi đến hàng chục nghìn người đã tham gia cầu siêu cho những người đã khuất, những tăng ni phật tử tự thiêu trong cuộc đàn áp và thảm sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ngày 21/8/1963, tổng thống Ngô Đình Diệm họp nội các để thông báo đã thiết quân luật trên toàn quốc đồng thời đánh chiếm các chùa và bắt giữ "bọn tăng ni làm loạn". Bộ trưởng Ngoại giao Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu phản đối hành động của chính quyền rồi rời cuộc họp. Sau đó ông cạo đầu và từ chức bộ trưởng bộ Ngoại giao. Vũ Văn Mẫu cùng một số giáo sư đại học thành lập Phong trào Trí Thức Chống Độc Tài.[6]. Cuộc biểu tình đến đầu tháng 9 mới gần chấm dứt hoàn toàn.

Hậu quả

Đến lúc này thì tất cả các lực lượng bất mãn với chính phủ Ngô Đình Diệm đã đoàn kết thành một khối coi chính phủ Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị, phân biệt tôn giáo, không thể chấp nhận được cho miền Nam Việt Nam. Cuộc đấu tranh chính trị lan rộng sang cả khối học sinh, sinh viên, tiểu thương, trí thức và các lực lượng khác. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã mất hết đồng minh trong nước và quốc tế. Dư luận thế giới và cả Hoa Kỳ đều phản đối chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đàn áp Phật giáo.

Việc chính phủ Ngô Đình Diệm bất lực trong đấu tranh chống Cộng sản, lại mất uy tín trong nước và trên thế giới làm méo mó hình ảnh thế giới tự do trong chiến lược toàn cầu chống cộng sản của Hoa Kỳ tất yếu sẽ làm Hoa Kỳ phải xem xét lại quan hệ với chính phủ này. Ngày 20 tháng 8 năm 1963 chính phủ dùng vũ lực tấn công Phật giáo thì ngay hôm sau Hoa Kỳ cử đại sứ mới là Cabot Lodge đến Sài Gòn với chính sách hoàn toàn mới đối với chính phủ Ngô Đình Diệm. Các lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hoà liên hệ với các lực lượng chính trị bất mãn và các giới chính trị và tình báo Hoa Kỳ để tham khảo một giải pháp loại bỏ anh em Diệm – Nhu – Cẩn.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Quân lực Việt Nam Cộng hoà đã làm đảo chính thành công lật đổ chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm, giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, sau đó mở phiên toà xử tử cố vấn Trung phần Ngô Đình Cẩn. Cuộc đảo chính này chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng hoà của miền Nam Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, nhà báo Arthur Dommen và Ellen Hammer đã từng suy đoán CIA có thể đã hậu thuẫn Diệm trong vụ thảm sát một cách bí mật vì ở một số nơi tại Huế, nhiều khối thuốc nổ dạng dẻo đã phát nổ làm bị chết và bị thương nhiều người, nó được xác định chính là thuốc nổ C4. Vào lúc đó thì chỉ có Mỹ sở hữu loại thuốc nổ này chứ Quân Việt Nam Cộng hòa lẫn Quân Giải phóng chưa hề có loại thuốc nổ này.[7]

Theo sự tiết lộ của Giáo sư Trần Hữu Thế, cựu bộ trưởng Giáo dục đối với GS Vũ Văn Mẫu, chính Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá Đặng Sỹ phải "dẹp" đám đông Phật tử tại đài Phát thanh Huế tối 8/5/1963. Trích:

"Chính tối hôm Phật đản cũng đã có một bữa tiệc tại nhà Ngô Đình Cẩn với sự hiện diện của Tổng giám mục Thục, một số bộ trưởng và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ. Đang giữa bữa ăn thì Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Đặng Sĩ hốt hoảng xin vào trình bày tình hình rất căng thẳng vì mấy ngàn Phật tử đang tụ họp trước Đài Phát thanh. Vì phụ trách các vấn đề an ninh, Thiếu tá Đặng Sĩ xin chỉ thị để đối phó.Ngô Đình Cẩn ngồi yên không nói gì, hay không muốn nói có lẽ vì đã đoán trước được ý kiến của ông anh Ngô Đình Thục thế nào cũng chống đối thái độ hòa hoãn của ông ta trong vụ này. Sau báo cáo của Đặng Sĩ, Tổng giám mục Ngô Đình Thục đang ăn bỗng ngưng lại, giơ tay ra hiệu cho Thiếu tá Đặng Sĩ: "Dẹp…!".Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng lãnh chỉ thị lui ra. Sau đó thì các sự việc xảy ra như bác sĩ Erich Wulff đã tường thuật rõ ràng các điều mắt thấy tai nghe tại chỗ[8]

Liên quan

Tội ác của Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam Tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược Ukraina của Nga Tội ác chiến tranh của Liên Xô Tội ác của quân đội Hoa Kỳ Tội ác chiến tranh của Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai Tội ác và hình phạt Tội ác chiến tranh của Nhật Bản Tội ác của Đức Quốc Xã đối với Ba Lan Tội ác Cộng sản (luật pháp) Tội ác chiến tranh

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tội_ác_của_Quân_đội_Hoa_Kỳ_và_đồng_minh_trong_chiến_tranh_Việt_Nam http://www.greenleft.org.au/2007/706/36655 http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KI01Ae... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/1508... http://www.consortiumnews.com/archive/colin3.html http://www.crimelibrary.com/notorious_murders/mass... http://www.dailykos.com/story/2014/9/20/1331165/-T... http://landtourcondao.com/news/502/229/Nguoi-My-ki... http://www.thenation.com/doc/20081201/turse http://www.toledoblade.com/apps/pbcs.dll/section?C... http://www.law.umkc.edu/faculty/projects/ftrials/m...